64 Hồ Xuân Hương, Nha Trang

0903 533 789

Viêm phổi trẻ em

VIÊM PHỔI TRẺ EM

Ths.Bs Phan Lộc Mai

  1. Khái niệm:

Viêm phổi là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong ở trẻ bị bệnh đường hô hấp. Ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng, là nhóm có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất.

  1. Nguyên nhân:

Đối với những nước đang phát triển: Hầu hết các trường hợp viêm phổi không tìm được nguyên nhân gây bệnh nên việc điều trị chủ yếu là theo kinh nghiệm.

Ở trẻ dưới 5 tuổi, nguyên nhân viêm phổi được xem là do vi trùng, ngoài ra còn có thể do hít sặc : thức ăn, chất ói …

  1. Điều kiện thuận lợi:
  • Tuổi: càng nhỏ càng dễ bệnh và bệnh càng nặng.
  • Thời tiết: thời tiết lạnh, giao mùa.
  • Cơ địa: đẻ non, đẻ yếu, suy dinh dưỡng.
  • Dị tật (chẻ vòm hầu, tim bẩm sinh, hội chứng Down…)
  • Điều kiện vệ sinh, điều kiện môi trường xấu (khói, khói thuốc lá, bụi, khí độc, nhà ở tối tăm chật hẹp…)
  • Điều kiện lây nhiễm (nhà trẻ, trường học, gia đình…)
  1. Lâm sàng:

4.1. Giai đoạn khởi phát:

  • Triệu chứng nhiễm trùng hô hấp: sổ mũi, nghẹt mũi, ho khan, sốt, đau mình, bỏ chơi, giảm bú, mệt mỏi, quấy khóc.
  • Trẻ có thể rối loạn tiêu hoá như: ọc sữa, ói, chướng bụng tiêu chảy.
  • Tại phổi có thể chưa phát hiện triệu chứng.

4.2. Giai đoạn toàn phát:

Triệu chứng hô hấp: có giá trị chẩn đoán nhưng nhiều khi không rõ ràng ở trẻ nhỏ:

  • Ho: ban đầu ho khan, sau có đàm, trẻ nhỏ hoặc trẻ yếu có khi không ho hoặc ho ít.
  • Dấu hiệu thở nhanh: dưới 2 tháng thở ≥ 60 lần/phút, từ 2 tháng đến 1 tuổi ≥ 50 lần/phút, từ 1tuổi đến 5 tuổi ≥ 40 lần/phút. Đây là phản ứng bù trừ, cơ thể tăng nhịp thở và không thể duy trì mãi. Nếu không điều trị kịp thời và đúng mức, bệnh không cải thiện, trẻ sẽ suy hô hấp, kiệt sức, nhịp thở chậm lại và ngưng thở.
  • Dấu hiệu khác : tím tái da niêm mạc, rút lõm lồng ngực, co kéo cơ liên sườn, rút lõm hõm trên ức, phập phồng cánh mũi, thở rên…
  • Gõ đục khi có tràn dịch hoặc đông đặc.
  • Nghe: phế âm thô, tiếng vang thanh khí quản, phế âm giảm, ran ẩm nhỏ hạt, ran nổ …

4.3.Triệu chứng khác đi kèm:

  • Viêm cơ, nhọt da, viêm xương, viêm tai giữa, viêm Amidan, viêm thanh thiệt, viêm màng ngoài tim…
  • Viêm phổi trẻ em , không nhất thiết chờ kết quả cận lâm sàng, nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì diễn tiến thường tốt và khỏi bệnh sau 7-10 ngày. Nếu trẻ đến muộn hoặc điều trị không đúng mức, nhất là trẻ dưới 12 tháng, thì tử vong rất cao.

5. Chẩn đoán :

  • Chẩn đoán viêm phổi cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng (thường dùng là công thức máu, X-quang phổi ).
  • Trẻ dưới 2 tháng: Chỉ cần thở nhanh hoặc rút lõm lồng ngực sâu , hoặc nếu trẻ có một trong các dấu hiệu sau : thở rên, cánh mũi phập phồng, bỏ bú, nôn tất cả mọi thứ, co giật, ngủ li bì khó đánh thức, sốt , hạ thân nhiệt …,là trẻ có khả năng nhiễm khuẩn nặng, trong đó có viêm phổi nặng.
  • Chẩn đoán tác nhân gây viêm phổi : Không được chủ quan xác định tác nhân gây bệnh nếu chỉ dựa vào biểu hiện lâm sàng hoặc X-quang . Đa số trẻ em viêm phổi không xác định được tác nhân gây bệnh, vì vậy trong thực tế không cần chờ kết quả cận lâm sàng mới bắt đầu điều trị mà kết quả điều trị vẫn tốt.

6. Chẩn đoán phân biệt:

  • Lao phổi: trẻ có ho kéo dài trên 3 tuần, có tiếp xúc nguồn lây, IDR ≥ 10mm, VS tăng, CPR đàm hoặc dịch dạ dày dương tính.
  • Dị vật đường thở: trẻ có hội chứng xâm nhập, dị vật gây viêm phổi kéo dài hoặc lặp đi lặp lại.
  • Suy tim.
  • Toan máu: trẻ thở nhanh không tương xứng với tổn thương của phổi trên X-quang.

7. Phân loại viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi:

  • Viêm phổi rất nặng: ho, khó thở kèm theo 1 trong các dấu hiệu: tím tái, bỏ bú, bú kém, không uống được, co giật, li bì khó đánh thức, suy hô hấp nặng
  • Viêm phổi nặng: ho, khó thở kèm, không có các dấu hiệu nguy hiểm và theo 1 trong các dấu hiệu: thở rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, trẻ < 2 tháng
  • Viêm phổi: ho, khó thở, thở nhanh và không kèm theo các dấu hiệu của viêm phổi nặng và rất nặng.

8. Điều trị viêm phổi:

8.1 Ở tuyến cơ sở:

  • Cho 1 liều kháng sinh thích hợp, chích hoặc uống nếu còn uống được và chuyển gấp.

8.2 Ở cơ sở điều trị nội trú:

Theo 4 nguyên tắc điều trị viêm phổi nặng:

  • Hỗ trợ hô hấp.
  • Kháng sinh.
  • Điều trị hỗ trợ khác
  • Điều trị biến chứng.

Hỗ trợ hô hấp: Thở oxy khi trẻ tím tái hoặc SaO2 < 90% hoặc thở nhanh trên 70 lần/ phút hoặc rút lõm lồng ngực nặng.

  • Thở NCPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi) khi thất bại với thở oxy.

Kháng sinh: tùy loại vi khuẩn hoặc theo kinh nghiệm

Điều trị hỗ trợ khác:

  • Dinh dưỡng, hạ sốt, dãn phế quản, giảm ho, xoay trở, vật lí điều trị…

Điều trị biến chứng:

  • Tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, áp xe phổi, xẹp phổi…

9.Phòng bnh:

  • Chăm sóc sức khoẻ sản phụ, hạn chế các trường hợp sinh non, thiếu cân.
  • Bảo đảm vệ sinh vô trùng khi sinh và chăm sóc sơ sinh.
  • Trẻ được bú mẹ sớm, ăn dặm, tránh suy dinh dưỡng.
  • Tiêm chủng đầy đủ, trẻ được sống ở môi trường trong lành, không bụi khói độc hại, nhang trừ muỗi, thuốc lá, tránh khí độc, ô nhiễm, nơi ở tối tăm chật chội ẩm thấp…
  • Tránh tối đa nguồn lây
  • Chủng ngừa (cúm, á cúm, thuỷ đậu, HiB, phế cầu…).
Phòng Khám Nhi Nha Trang Uy Tín